Sau nghị định 105/ND-CP về thắt chặt sản xuất rượu thủ công, nhiều gia đình muốn đăng ký các giấy tờ hợp lệ nhưng không biết những thủ tục cần thiết như thế nào?
Trước đây, khi bà con ta vẫn nấu rượu nhỏ lẻ tại các hộ gia đình bằng nồi nấu rượu bằng củi, nấu một cách thủ công truyền thống, họ không hề đăng ký sản xuất hay cần xin bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Nhưng hiện nay, sau nghị định 105/ND-CP vừa được ban hành vào tháng 11 năm ngoái (2017), nhiều hộ gia đình đã lo lắng và bắt đầu đi đăng ký sản xuất rượu thủ công.
Vậy cần những giấy tờ gì?
Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những giấy tờ và thủ tục cần thiết để đăng ký cơ sở sản xuất rượu thủ công đạt chuẩn trong năm 2018.
Việc đăng ký sản xuất rượu thủ công trải qua một quá trình khá phức tạp, đòi hỏi khá nhiều giấy tờ như sau:
1. Trước tiên, cần có giấy tờ đăng ký hộ kinh doanh
Thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh được thực hiện theo Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP:
- Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (Phòng tài chính- kế hoạch) nơi đặt địa điểm kinh doanh.
- Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh: Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh: Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp. Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình. Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh nộp 1 bộ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (phòng đăng ký kinh doanh) hoặc gửi qua đường bưu điện. Cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và trao giấy biên nhận cho hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh hoặc thông báo bằng văn bản cho hộ kinh doanh để sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu xem xét thấy hồ sơ không hợp lệ.
Phí đăng ký thành lập hộ kinh doanh: 200.000 đồng/lần.
2. Thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
Thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công được thực hiện theo quy định của Điều 11 Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và Điều 6 Thông tư 60/2014/TT-BCT:
- Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Khoản 1 Điều 11 Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm:
+ Có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công.
+ Đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công Thương (sau đây gọi chung là Phòng Công Thương) thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
- Hồ sơ: Khoản 2 Điều Thông tư 60/2014/TT-BCT quy định: Thành phần hồ sơ bao gồm
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo mẫu tại Phụ lục 10 kèm theo Thông tư này;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế;
+ Bản sao Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Bản liệt kê tên hàng hóa sản phẩm rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu mà tổ chức, cá nhân dự kiến sản xuất.
Số lượng: 2 bộ hồ sơ.
- Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
Bước 1: Người xin cấp Giấy phép nộp 2 bộ hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công (Phòng công thương).
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Công Thương xem xét và cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo mẫu hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trường hợp từ chối cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
- Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép để xem xét cấp lại.
- Thông tư 299/2016/TT-BTC quy định: “Phí thẩm định điều kiện kinh doanh để cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: 1.100.000 đồng/lần thẩm định/hồ sơ”.
Nói tóm lại, việc đăng ký sản xuất rượu sản xuất rượu thủ công đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, nhưng đăng ký là rất cần thiết, vừa tuân theo quy định hợp lệ của nhà nước, vừa tạo điều kiện uy tín chất lượng cho xưởng rượu sản xuất của mình đối với khách hàng.
Xem thêm bài viết hữu ích khác:
- 2 tháng sau Nghị định 105/NĐ-CP về thắt chặt sản xuất rượu thủ công.
- Đầu tư thiết bị nấu rượu hiện đại cho xưởng nấu rượu thủ công.
Không có bình luận nào cho bài viết.